Đối với tài trợ dự án hoặc tài trợ thu hồi giới hạn ở Việt Nam, việc thế chấp cổ phần (hoặc vốn chủ sở hữu) của công ty dự án thường là một phần của gói giao dịch bảo đảm do có thể dễ dàng tạo lập và hoàn thành [việc đăng ký] thế chấp cổ phần. Mặc dù vậy, khi xuất hiện sự kiện xử lý bảo đảm và nếu bên vay hoặc công ty dự án không hợp tác, bên cho vay (thường là bên cho vay nước ngoài), muốn ngay lập tức tiếp nhận cổ phần thế chấp, có thể sẽ gặp khó khăn trong việc xử lý thế chấp trên thực tế do cần hoàn thành các thủ tục cấp phép khác nhau để bán hoặc chuyển nhượng cổ phần thế chấp.
Nhờ sự linh hoạt của Luật Doanh Nghiệp 2014 và Luật Đầu Tư 2014, bên cho vay hiện nay có thể cân nhắc thực hiện một số biện pháp bổ sung để tăng khả năng xử lý thế chấp đối với cổ phần của một công ty dự án tại Việt Nam. Cụ thể là,
· Bên cho vay nước ngoài có thể yêu cầu công ty dự án phải có được một văn bản thường được gọi là “Chấp Thuận M&A” theo Điều 26 của Luật Đầu Tư 2014 có lợi cho bên cho vay nước ngoài trước. Không giống như Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Đầu Tư, một nhà đầu tư nước ngoài được cấp Chấp Thuận M&A không thực sự phải tuân theo quy định đầu tư. Ngoài ra. các thủ tục để có được Chấp Thuận M&A không yêu cầu phải nộp hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho cơ quan có thẩm quyền.
· Bên cho vay có thể yêu cầu công ty dự án chỉ định một đại diện của bên cho vay làm một trong những đại diện theo pháp luật của công ty dự án, làm một con dấu công ty khác và bàn giao con dấu công ty đó cho bên cho vay. Điều này là do Luật Doanh Nghiệp 2014 hiện cho phép một công ty có nhiều người đại diện theo pháp luật và con dấu công ty. Bằng cách kiểm soát người đại diện theo pháp luật và con dấu của công ty dự án, bên cho vay có thể trực tiếp nộp đơn cho các cơ quan có liên quan để hoàn tất các thủ tục cấp phép cần thiết nếu công ty dự án hoặc bên vay không thực hiện các công việc này. Điều lệ của công ty dự án có thể quy định rằng các quyền của người đại diện theo pháp luật của bên vay chỉ phát sinh khi sự kiện xử lý tài sản bảo đảm xảy ra.
· Bên cho vay có thể yêu cầu công ty bàn giao sổ đăng ký cổ đông cho người đại diện theo pháp luật do bên cho vay hoặc bên thứ ba chỉ định (ví dụ: công ty chứng khoán) để quản lý sổ đăng ký cổ đông. Khi bên cho vay xử lý thế chấp, đại diện của bên cho vay có thể cập nhật sổ đăng ký cổ đông để ghi lại chi tiết về người mua mới hoặc bên cho vay với tư cách là cổ đông mới bằng việc sử dụng con dấu công ty thứ hai.
Bài viết được đóng góp bởi Lê Minh Thùy, luật sư tập sự tại Venture North Law.